Khi khen pháp của mình đúng và pháp tu của người khác sai là ngã mạn, hay ganh tị. Vì thế người Phật tử phải xem vị Thầy ấy có chê bai các pháp khác hay không. Bác bỏ việc ăn chay vì cho rằng Đức Phật ngày xưa ai cho gì ăn nấy, hay là chỉ vì mình cảm thấy thua người ăn chay mà sinh lòng ganh ghét? Hay là chỉ vì cảm thấy sự tội lỗi chưa thoát được cái thèm thịt của chúng sanh mà bài bác người ăn chay?
Tại sao lại có pháp của Phật gọi là “Tam Tịnh Nhục”?
Thời Đức Thế Tôn còn tại thế gian, Ngài là Vua nên khi Ngài đi tu và thành Bậc Đại Giác Phật rồi thì khi đi khất thực, dân chúng mừng quá, họ làm thịt để cúng, và như thế pháp “Tam Tịnh Nhục” được ban ra là: 1) Không thấy con vật bị giết; 2) Không nghe tiếng con vật kêu khóc lúc bị giết; 3) Không được nghĩ con vật chết.
Nhưng thực tế thời bấy giờ Balamon không ăn thịt. Balamon ăn chay. Phật xuất thân từ Balamon không ăn thịt. Nhà hàng quán ăn vào thời ấy là hạ cấp vì lúa gạo phải nhờ vào thiên nhiên mới có nên cho ăn miễn phí. Nhờ thế mà Đức Phật có thể có hàng ngàn đệ tử xuất gia chỉ cần đi khất thực thôi cũng đã đủ sống.
Người Ấn Độ có quyển sách dạy nấu chay: “The Food and Cooking for the Higher Beings”, nghĩa là “Thức ăn và cách nấu cho những bậc Trên Cao, Thượng Đế”. Trong đó chỉ dạy nấu chay. Quyển sách nấu ăn đó, trang mở đầu có in lời nói của Thần Shiva: ” Nếu chúng sanh nào cúng dường ta, hoa, quả và ngũ cốc ta sẽ hoan hỉ nhận những thức ăn tinh khiết đó”. Bằng chứng là người Ấn Độ theo Balamon vẫn còn ăn chay cho tới ngày nay. Thức ăn chay của người Ấn có những món rất ngon và cầu kỳ, thí dụ như có khách sạn họ làm chiếc bánh Nan lớn bằng cái đĩa bàn mà trên bánh Nan làm có các thứ trái cây đã được chế biến thành mứt dòn sật với mùi hương thanh khiết cùng các loại hạt rang tẩm dầu thơm và có một lớp vàng y hoặc lớp bạc trắng được cán thật mỏng trải trên mặt cái bánh Nan ấy cho người ăn. Ăn chay kiểu này sang như vua chúa!
Bên cạnh đó, Đức Phật là Vua và là Bậc Thế Tôn, là Thầy của các loài của tam giới trong đó kể cả Trời và người. Mỗi khi Đức Phật đi ra ngoài đều có các thị giả là Hoàng Thái Tử như Nanda, Ananda, Arunanda, Rahuraja, và các bậc đại tướng như Caludaji cũng xuất gia đi theo hầu cận Ngài. Hoặc là có hai Vị Đại Đệ Tử là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên con của hai gia đình triệu phú trưởng giả đi theo. Những vị thị giả kề cận Đức Phật kể trên không để cho ai muốn cho thức ăn gì vào bình bát của Phật cũng được. Người dùng câu nói: “Ai cho gì Phật ăn nấy” là thiếu sót khi chỉ đại sự cúng dường lên Bậc Đại Giác Phật. Chúng ta đời nay muốn được cúng dường chư tôn đức Tăng, mình phải quì xuống cầu xin quí Ngài thọ nhận để mình được phước. Thức ăn phải thanh tịnh, nếu “cho gì ăn nấy” là người ta không chuẩn bị sẵn là cho cơm nguội, là không tịnh thí, chư Tăng không được phép nhận vì thức ăn này đã dùng qua, cũ, có thể gây ra bệnh hoạn… (Tịnh = chưa dùng)
Về Nam Tông, Phật tử muốn cúng dường cơm còn phải quì xuống dâng lên, sau đó ngồi xuống chánh niệm, im lặng hầu cơm, dâng nước, và khi chư Tăng thọ thực xong Phật tử phải rót nước cho sư rửa tay. Sau khi quí sư dùng xong, Phật tử mới được ăn thức ăn còn thừa trên bàn để được phước v.v.
Đức Phật là Vua cho nên một khi người dân may mắn được Ngài đi ngang qua thành phố là vui mừng cúng dường, có người cúng dường xong là đắc được pháp lạc. Có người cúng dường xong trở thành giầu có…
Một câu chuyện có ghi rõ trong lịch sử cuộc đời Đức Phật: Có một lần là có 4 vị Hoàng Tử tại nước Vaishali cũng muốn cúng dường lên Đức Phật vì biết Ngài sẽ ghé lại Vaishali, Bốn ông Hoàng này biết được bà nữ trưởng giả giầu có Amrapali đã thỉnh được Đức Phật trước rồi nên họ cùng nhau tới gặp bà, năn nỉ và xin trả cho bà 1000 đồng tiền vàng để cho họ được thay bà thỉnh Đức Phật về cung điện của các ông để cúng dường. Nhưng bà Amarapali đã không chịu nhận 1000 đồng vàng vì bà chỉ muốn được cúng dường lên Đức Phật. Bà Amarapali nhờ vào tâm cúng dường thanh tịnh này mà sau bà giác ngộ xuất gia và tu thành Bậc Thánh Nữ Arahanta.
Xin nói thêm là người ăn chay rất khiêm tốn, thường không nói ra vì cố giữ gìn cho những người ăn thịt không bị khó chịu hay hổ thẹn vì họ đã gián tiếp giết những con vật vô tội vạ. Nhưng ngược lại nhiều người ăn thịt không tán thán người ăn chay mà lại tấn công họ. Nhiều vị tu theo phái cho phép ăn mặn thường hay nói những câu như: “Không có pháp nào nói phải ăn chay. Đức Phật không ăn chay, vì đi khất thực thì ai cho gì thì phải nhận và ăn cái đó!”
Người nói như thế là phủ nhận tâm từ bi của Đức Phật! Có thể là vị tu sĩ này rất giỏi về những pháp thực tập nào đó, nhưng đã không tìm hiểu sâu sắc về bản thân người của Đức Phật. Trong bài Kinh Thương Yêu hay Tâm Từ (Pali, Metta Sutta) Đức Phật dạy Chư Tôn đức Tăng rằng: “Hãy đem lòng từ bi không giới hạn của mình mà thương tất cả chúng sinh như một bà mẹ thương con ruột và đem thân mạng mình ra che chở cho đứa con duy nhất của bà. Hãy đem lòng từ bi không giới hạn của mình mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi của ta không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù, bất cứ lúc nào khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm miễn là ta còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi, nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất…” Không có người mẹ nào thương con mà lại đi ăn thịt đứa con của mình. Vì thế chúng ta tập ăn chay tức là thương chúng sanh vì chúng sanh chính là con của chúng ta như lời Phật dạy. Tuy Phật không nói rõ qui định phải ăn chay, nhưng qua những lời kinh trên, rõ ràng là ngài khuyên chúng sanh nên tập ăn chay cho đỡ sát hại sinh linh và oán thù vay trả không dứt. Còn những ai không thể ăn chay được thì nên phát tâm “Tuỳ Hỷ” với người ăn chay và nên khuyến tấn người ăn chay thành tựu ước nguyện. Những người phát tâm Tùy Hỷ như thế sẽ được “phước tuỳ hỉ”. Điều đó tốt hơn là mỉa mai, phỉ báng hoặc bác bỏ chê bai những người ăn chay, vì việc đó sẽ làm cho mình mất phước.
Trong Kinh Bốn Loại Tâm vô Thượng có nhắc đến các tâm ấy là Tâm Từ vô lượng; Tâm Bi Vô lượng; Tâm Hỷ Vô Lượng, và Tâm Xả Vô Lượng, gọi tắt là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Ở đây chỉ xin viết một chút về “tâm hỉ” mà thôi.
Đức Thế Tôn dạy rằng người mà khéo tu (trái với vụng tu) thì luôn biết phát tâm “tuỳ hỉ” với tất cả các hành động tốt của chúng sanh; Tuỳ hỉ với công đức của trên từ Chư Phật xuống dưới tới hàng súc sanh như các loài bò, bay, máy và cựa để có thêm phước báo.
(Xin trích 1 đoạn Đức Phật dạy Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Đại Nguyện: “… Con xin tuỳ hỉ mọi công đức; của các chúng sanh trong mười phương; Các bậc hữu học và vô học; Các bậc Như Lai và Bồ Tát; Các bậc thường sáng soi thế gian; Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát”…)
Nguyện lực của Bồ Tát Phổ Hiền cao dày và mình nên làm theo phương pháp tu tuỳ hỉ công đức này để có nhiều phước. Tuỳ hỉ cả với các việc làm tốt của những côn trùng nhỏ nhít. Thí dụ như những con kiến rượu biết dự trữ thức ăn, làm lụng cần mẫn. Nếu có chiến tranh, vì thương và trách nhiệm với đồng loại nên nó biết hoãn binh để đi lấy xác của các con kiến rượu bị tử thương trong chiến trận sát phạt với loài kiến đen về? Mình phải biết phát tâm tuỳ hỉ với tất cả mọi điều tốt lành của người khác ở gần hay xa và tuỳ hỉ tất cả với mọi công đức mà Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, Alahanta, Thánh chúng ba đời đã làm mà thành bậc Đại Giác. Nếu mình biết tuỳ hỉ công đức như thế thì phước báo của mình sẽ tăng mau lắm và ta cũng mau thành tựu được đại nguyện. Còn mình chỉ trông vào việc tốt mình làm được thì lâu như Hằng hà sa kiếp vẫn chưa thể có kho tàng đầy phước báo. Hơn thế nữa, tâm tuỳ hỉ này thành tựu được thì tâm ganh ghét sẽ biến mất.
Thông thường thì người ta ít phát tâm “tuỳ hỉ” với công đức của người khác. Vì coi thường việc làm tốt của người khác hoặc vì ganh ghét với người khác cho nên khi thấy ai làm được việc gì tốt họ không biết góp tâm vui mừng, vì thế người ta thì khá lên còn mình thì cứ quanh quẩn không tiến.
Việc ăn chay không dễ vì bao nhiêu đời kiếp ăn thịt chúng sanh đã quen. Do hiểu được sự khổ đau của con vật khi bị giết cho mình ăn, sanh lòng từ bi mà phát tâm bỏ thịt thật là đáng quí và đáng khen. Phải có một tâm kiên cố lắm mới thành vì rất khó bỏ được thói quen ăn thịt, vì thế chúng ta nên “tuỳ hỉ” và ngưỡng mộ những người thành công trong việc ăn chay, điều đó sẽ tăng phước đức cho mình.
Ăn chay là giúp cho nhiều chúng sanh không bị giết. Theo nghiên cứu khoa học thì người ăn chay tránh được các bệnh khó chữa như tiểu đường, tim, máu cao, ung thư…. những căn bệnh sẽ gây ra sự khổ đau cho chúng ta. Nhưng chúng ta chưa hề thấy 1 báo cáo khoa học nào nói rằng ăn chay sẽ gây ra các bệnh hiểm nghèo trên. Hầu hết các khoa học gia luôn đồng ý việc ăn chay là tốt. Tại sao không nói Phật tử nấu chay mà lại chịu để Phật tử cúng thịt? Thức ăn ở thế kỷ này rất phong phú và các đầu bếp bây giờ rất tài giỏi, họ có đủ kiến thức khoa học để làm nên các món chay có dinh dưỡng sung túc.
Việc ăn chay của các tu sĩ còn giúp thêm cho các Phật tử vì tránh được việc chặt xắt miếng thịt nấu cúng. Từ đó giúp họ thêm thanh tịnh.
Cúng dường Phật và chư Tăng là được đại phước đức. Người cúng dường phải giữ tâm cho thanh tịnh và tôn nghiêm, không nên nói những lời chê bai phỉ báng mà làm cho mình mất phước.
Người Phật tử khi nấu cơm cúng dường phải chọn thức ăn thanh tịnh, phải giữ thân và tâm thanh tịnh, phải biết niệm Phật, phải im lặng, phải thành tâm, phải hoan hỷ thì thức ăn mới tinh khiết khi đem dâng cúng lên Bậc Đại Giác Phật mới có nhiều phước. Phước cúng dường thanh tịnh lên chư tôn đức tăng ni vẫn có thể cho ta hưởng kết quả pháp lạc ngay trong đời này.
Mong lắm thay.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát.
“Oceanvirtue.” Tỳ Kheo Ni Thích nữ Hạnh Trì (Tịnh thất Hoà Bình)
Con xin tri ân Bổn sư là Hoà thượng Phương Trượng Thích Như Điển đã bỏ thời gian duyệt chỉnh cho thêm hoàn hảo và em Vu Quang Hy nhuận bút. Nam Mô A Di Đà Phật.
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.